Chuyển đổi số: Hiểu đúng, để làm trúng
Thước đo chuyển đổi số
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết Bộ TT&TT đã xây dựng Bộ chỉ số chuyển đổi doanh nghiệp trong năm 2021 với 3 chỉ số thành phần bao gồm chỉ số CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chỉ số cho doanh nghiệp lớn và chỉ số cho các Tập đoàn, Tổng công ty.
“Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bộ chỉ số được chia thành 6 trụ cột với 10 thành phần và 60 tiêu chí; trong đó, tiêu chí chiến lược được đánh giá ít điểm hơn. Trong khi đó, với các doanh nghiệp lớn, bộ chỉ số có 6 trụ cột với 25 thành phần và 139 tiêu chí”, ông Đường cho biết và khuyến nghị, để CĐS toàn diện, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy nhận thức, đồng thời tích cực tham gia nhiều chương trình hỗ trợ CĐS, cũng như định kỳ đánh giá, xác định đúng mức độ CĐS của doanh nghiệp để cập nhật kế hoạch và lộ trình trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, cho biết Bộ đang đẩy mạnh Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Chương trình tập trung vào 3 gói chính. Gói thứ nhất là hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho có quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 - 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Gói thứ hai là tăng tốc CĐS cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các doanh nghiệp vừa. Gói thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp CĐS hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Còn đó những thách thức
Đánh giá về quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Dương, Phó Trưởng ban Chiến lược sản phẩm, Công ty Công nghệ Thông tin VNPT nhận định: Có rất nhiều khung CĐS được đưa ra, tuy nhiên, dựa trên thực tế quá trình CĐS, trụ cột chính xuyên suốt quá trình CĐS là năng lực lãnh đạo số. Lãnh đạo số đóng vai trò quan trọng khi cần nắm rõ kết quả doanh nghiệp muốn đạt được trong quá trình CĐS.
Để doanh nghiệp CĐS có hiệu quả, doanh nghiệp không lãng phí thời gian, chi phí; lãnh đạo doanh nghiệp cần có suy nghĩ rõ ràng về kết quả mà doanh nghiệp muốn đạt được. Mặt khác, các nhà lãnh đạo cần nuôi dưỡng cam kết thực hiện CĐS trong toàn bộ doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố có tác động nhiều đến kết quả và hiệu quả CĐS. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh sẽ tác động đến thành công của CĐS.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng để thực hiện CĐS thành công, doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp, như xây dựng hệ thống tài liệu để hướng dẫn các doanh nghiệp; Hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để doanh nghiệp xây dựng CĐS; Hỗ trợ đào tạo lại nhân lực khi tham gia CĐS; Doanh nghiệp cần có hệ thống chuyên gia để tư vấn, giám sát CĐS; Thúc đẩy các giải pháp CĐS phù hợp năng lực doanh nghiệp.
Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp