ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao nhất khu vực

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao nhất khu vực

Tại buổi công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 3/4, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết ở cả 3 kịch bản diễn biến của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ADB đều đưa ra dự báo "thuận chiều" đối với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, nếu căng thẳng thương mại giữa hai nước giữ nguyên như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 0,8%; nếu mức độ căng thẳng gia tăng khi Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc, xuất khẩu sẽ tăng 7,3%; và trong trường hợp căng thẳng thương mại lan sang khu vực khác và diễn ra trên phạm vi toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ tăng 7%. "Nhưng câu chuyện không chỉ là những con số cụ thể này", ông Cường nói.

Bởi sự chuyển hướng thương mại sẽ bị loãng đi do các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, sẽ bị giảm tốc. Bức tranh xuất khẩu chung của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do độ mở của nền kinh tế đã gấp đôi so với GDP hiện nay, tác động của những diễn biến bên ngoài tới tình hình trong nước sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, trước mắt, ADB tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao 6,8% trong năm 2019 và giảm nhẹ xuống 6,7% trong năm 2020. Mặc dù tăng trưởng của Việt Nam theo dự báo của ADB có xu hướng giảm tốc dần nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia duy trì được mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, hơn cả Trung Quốc (2019: 6,3%; 2020: 6,1%), Indonesia (2019: 5,2%, 2020: 5,3%); hay Philippines (2019: 6,4%; 2020: 6,4%).

Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam, lý do khiến ADB đưa ra mức dự báo cao cho Việt Nam vì tăng trưởng vẫn được hỗ trợ ở cả phía cung lẫn cầu.

"Đó là tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ, sự mở rộng của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và nông nghiệp, khả năng tiếp cận thị trường mới cho hàng hoá Việt Nam vẫn rộng mở thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do và luồng vốn FDI", ông Eric phân tích.

Đó là mặt tích cực. Về tiêu cực, ADB cho rằng những rủi ro đối với nền kinh tế vẫn còn khi tiến độ của quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước vẫn rất chậm chễ. Kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra là cổ phần hoá ít nhất 85 doanh nghiệp.

Việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ đảm bảo sử dụng vốn nhà nước một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu những mâu thuẫn phát sinh từ việc nhà nước đóng vai trò kép đã không được như mong đợi.

"Cổ phần hoá không phải là mục tiêu cuối cùng mà quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo những nguyên tắc thị trường và minh bạch. Nhưng rõ ràng, càng để lâu những doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả thì nguồn lực càng bị lãng phí trong khi đó những nguồn lực này có thể được chuyển sang khu vực tư nhân để sử dụng một cách có hiệu quả hơn. Đây chính là một lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng", ông Eric nhận định.

Ngoài ra, cũng theo ADB, việc tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân và giảm bớt sự méo mó thị trường nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường vẫn cần rất nhiều nỗ lực.