Tọa đàm phát triển nguồn nhân lực kỹ sư làm việc tại Nhật Bản giữa HUBT và Đại học Meijo

Tọa đàm phát triển nguồn nhân lực kỹ sư làm việc tại Nhật Bản giữa HUBT và Đại học Meijo

Ngày 31/8/2022, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm với trường Đại học tổng hợp Meijo Nhật Bản về vấn đề phát triển nguồn nhân lực kỹ sư làm việc tại Nhật Bản.

Đến tham dự buổi tọa đàm, về phía trường đại học Meijo Nhật Bản có GS. Yuri Sadoi và KS. Toshiyuki Sadoi. Về phía Viện nghiên cứu phát triển Doanh nghiệp của Nhà trường có PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng, TS. Nguyễn Trọng Hiệu – Phó Viện trưởng. Đại diện các Khoa Nhà trường có GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến – Chủ nhiệm Khoa Cơ điện tử và Ô tô, TS. Dương Văn Nghi – Chủ nhiệm Khoa Điện-Điện tử, TS. Trương Thị Thu Hà – Phó Chủ nhiệm Khoa CNTT cùng với sự tham gia của các em sinh viên.

Buổi tọa đàm được hợp tác tổ chức bởi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cùng Trường Đại học Meijo Nhật Bản.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Meijo Nhật Bản đã có buổi hội thảo đầu tiên vào 11/2016, từ đó đến nay hai trường đã nhiều lần hợp tác trong các chương trình về đào tạo và tổ chức nhiều buổi tọa đàm cũng như hội thảo để trao đổi về các vấn đề về các lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ, đây chính là thế mạnh về đào tạo của cả hai trường.

Trường Đại học Tổng hợp Meijo được thành lập từ năm 1926. Hiện tại, Trường có 09 khoa đào tạo đại học (Khoa học công nghệ, Nông nghiệp, Dược, Luật, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Khoa học nhân văn, Khoa học đô thị, Ngoại ngữ); 09 viện đào tạo sau đại học và 08 Trung tâm nghiên cứu. Trường đã có hơn 2.488 sinh viên tốt nghiệp trở thành giám đốc điều hành của các doanh nghiệp. Năm 2014 một giáo sư, GS. Isamu Akasaki nguyên là giáo sư của Đại học tổng hợp Meijo, đã được trao gải Nobel về vật lý; Năm 2018, hai giáo sư khác của Đại học tổng hợp Meijo đã tiếp tục được đề cử cho giải thưởng này. Trường có mối quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu với nhiều trường đại học và tổ chức của các nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Việt Nam vv...

PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện PTDN phát biểu khai mạc.

Tại buổi Tọa đàm, GS. Yuri Sadoi và KS. Toshiyuki Sadoi đã mang đến chuyên đề về “Phát triển nguồn nhân lực và những yêu cầu đối với kỹ sư trẻ tại Nhật Bản”. Chuyên đề giới thiệu về cách tổ chức tại các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay cũng như chỉ rõ những yêu cầu chung đối với các kỹ sư ngành kỹ thuật. Ngoài yêu cầu về tay nghề, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất chú trọng đến các kỹ năng giao tiếp xã hội cũng như ngoại hình và ngoại ngữ. Nhật Bản có tốc độ già hóa dân số khá nhanh, chính vì vậy nguồn lực lao động đến từ các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

GS. Yuri Sadoi – giảng viên Trường Đại học Meijo trình bày chuyên đề “Phát triển nguồn nhân lực và những yêu cầu đối với kỹ sư trẻ tại Nhật Bản”.

“Tiếp cận vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp” là chuyên đề mà TS. Nguyễn Trọng Hiệu – Phó Viện trưởng Viện PTDN trình bày tại Tọa đàm. Để có thể nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật, Viện PTDN đã hợp tác với công ty ITM tổ chức chương trình thực hành cho sinh viên khoa Điện – Điện tử tại các doanh nghiệp Nhật Bản như Canon, Towada. Trường cũng đã xây dựng đề án chương trình đào tạo hệ kỹ sư thực hành định hướng nghề nghiệp theo chuẩn Nhật Bản cho đối tượng là sinh viên cao đẳng nghề HUBT.

Lãnh đạo Viện PTDN và đại diện các khoa Cơ Điện tử và Ô tô, khoa Điện – Điện tử và khoa Công nghệ Thông tin cùng sinh viên chụp ảnh lưu niệm với GS. Yuri Sadoi và KS. Toshiyuki Sadoi của Trường Đại học Meijo.

Tại buổi tọa đàm, đại diện của ba khoa Cơ Điện tử và Ô tô, khoa Điện – Điện tử và khoa Công nghệ Thông tin đã giới thiệu về chương trình đào tạo của mình cho phía đại diện Đại học Meijo Nhật Bản, hai bên đã cùng nhau trao đổi về các phương pháp dạy và học cũng như các cách tổ chức hoạt động thực hành để có thể tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai./.

Tin & Ảnh: Nguyễn Quỳnh